Là những tấm gỗ mỏng được lạng từ thân cây tự nhiên đã được xử lý độ ẩm đạt chuẩn, bề mặt veneer đóng vai trò quan trọng trong chế tạo ván ép phủ veneer. Tuy nhiên, không phải mọi tấm veneer lạng ra đều có được bề mặt phẳng đẹp, chúng thường hay gặp nhiều khuyết điểm do quá trình sinh trưởng tự nhiên của cây hoặc do tác động trong công đoạn khai thác, bóc tách. Qua bài viết này, ADX Plywood sẽ thông tin đến quý khách hàng những khuyết tật phổ biến trên bề mặt ván lạng.

Bề mặt veneer gỗ là gì?

Veneer, hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như ván lạng, ván bóc, ván độn…, là những tấm gỗ lạng tự nhiên có độ dày và kích thước khác nhau tùy thuộc mục đích sử dụng. Đối với veneer gỗ dùng làm bề mặt phủ, chúng thường có độ dày từ 0,3 – 0,6mm và là những tấm ván đẹp nhất, ít khuyết điểm nhất. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại gỗ tự nhiên được dùng để sản xuất tấm veneer như gỗ phong vàng, bạch dương, gỗ sồi, óc chó… Chính nhờ đó, ván ép veneer rất đa dạng mẫu mã với nhiều kiểu đường vân bề mặt chân thật, độc đáo.

Bề mặt veneer gỗ là gì?

Có rất nhiều phương pháp lạng để tạo nên một tấm veneer gỗ hoàn hảo. Mỗi cách với mỗi góc đặt dao, mỗi điểm bắt đầu bóc riêng biệt sẽ cho ra những màu sắc, đường vân khác nhau. Hiện tại, các nhà sản xuất bề mặt veneer thường ứng dụng 6 kỹ thuật lạng gỗ phổ biến: bóc tròn (rotary cut), cắt phẳng (plain slicing), bóc nửa vòng (half-round slicing), cắt thớ (rift cut), bóc phần tư (quarter slicing), cắt dọc (lengthwise slicing).

Khuyết tật phổ biến trên ván bóc

Khuyết tật tự nhiên

Đây là khi cấu tạo bên trong của gỗ xảy ra các tình trạng bất thường do tác động hoàn cảnh tự nhiên như thời tiết, môi trường đất, ánh sáng hay chính đặc tính di truyền của cây, hoặc do sự tác dụng từ cả bên trong và bên ngoài. Các tình trạng đó có thể là thớ nghiêng, thớ xoắn, thớ chun, gỗ giác bên trong, lệch tâm, u tích nhựa hoặc hình dạng bên ngoài của thân cây không được trơn thẳng như thân cong, thót ngọn, bạnh vè, thân dẹt…

Khuyết tật tự nhiên phổ biến trên ván bóc

  • Khuyết tật do cành nhánh

Mắt sống: còn gọi là mắt lành, xuất hiện khi cắt bỏ phần cành nhánh còn sống khỏi thân cây. Nhựa cây tiết ra đọng lại tại đây làm mắt sống thường đậm màu hơn, hơi gờ lên và gây khó khăn khi cưa xẻ. Tuy nhiên, với một số loại gỗ, mắt sống trên bề mặt veneer sau khi bóc lạng lại là đặc điểm thẩm mỹ không thể thiếu.

Mắt chết: là dấu vết cành đã chết và gãy rụng khi cây còn sống. Lớp gỗ tại khu vực này vẫn tiếp tục sinh trưởng, kết cấu gỗ vẫn nguyên vẹn, nhưng không khỏe mạnh như trước, tạo nên những đường co rút khác biệt.

Mắt mục: có lớp gỗ khỏe xung quanh nhưng trong mắt lại mục nát. Phần gỗ trong mắt thường bị mềm và tơi bở từng phần hoặc hoàn toàn không giữ được cấu tạo ban đầu. Các vết mắt mục thường dễ tạo ra các lỗ thủng trên tấm ván bóc.

  • Khuyết tật do kết cấu gỗ

Thớ xiên (thớ vặn): do cấu tạo bất thường của thớ gỗ khiến cho vân gỗ bị xiên lệch. Thông thường, mức độ xiên sẽ giảm dần từ thớ gỗ ngoài vào trong.

Vết tủy: khuyết tật này xảy ra khi gỗ bị côn trùng gây hại và tổ chức tế bào mô mềm phải hàn gắn vết thương đó. Trên mặt cắt ngang của gỗ, vết tủy thường có hình trăng khuyết, nằm theo chiều tiếp tuyến thường dài từ 1,5 đến 3mm. Trên mặt cắt dọc, vết này có độ dài không nhất định.

Lệch tâm: là hiện tượng vòng sinh trưởng rộng hẹp không đều ở hai phía đối xứng qua tâm. Gỗ lệch tâm thường có trọng lượng lớn ở phía có vòng sinh trưởng hẹp và ngược lại nên ảnh hưởng đến độ co rút, cong vênh của gỗ.

  • Chất tích tụ bất thường

Vết nhựa: khuyết tật này do vùng gỗ tổn thương hoặc bị chết nhưng không tách khỏi thân và bị nhiễm nhiều nhựa gây ra. Vết nhựa thường nằm chen giữa và làm đứt đoạn các vòng sinh trưởng của gây, tạo vệt màu sẫm hơn so với màu gỗ vốn có.

Khuyết tật do nấm, mọt hại gỗ

Khuyết tật veneer gỗ do nấm, mọt hại gỗ

Cây gỗ còn đang sinh trưởng hoặc mới được thu hoạch chứa nhiều chất dinh dưỡng là thức ăn lý tưởng của các loài sâu hại, chúng sẽ liên tục đục khoét gỗ để trú ẩn và tìm kiếm thức ăn và gây ra các khuyết tật bên trong thân gỗ. Chính vì thế, các thân gỗ sau đốn hạ thường phải được xử lý qua hóa chất để tránh sự sinh sôi của sâu mọt.

Vết biến màu: Tất cả các loại nấm phá hại gỗ trong giai đoạn hoạt động đầu đều làm gỗ biến màu, khi nấm tiếp tục phát triển, những phần này sẽ dần chuyển sang mục nát. Vết biến màu trên bề mặt veneer bóc ra thường là những mảng nhiều hình thù với màu sắc khác nhau.

Vết mục: khuyết tật này hình thành từ vết biến màu khi nấm, sâu đã sinh sôi đến một giai đoạn nhất định. Dù đều khiến phần gỗ mục nát và tạo lỗ thủng trên mặt ván bóc, vết mục do sâu bọ gây ra và mắt mục từ cành nhánh vẫn có những điểm khác biệt cần nắm rõ để phân cấp bề mặt chính xác hơn.

Lỗ mọt: đây là những lỗ tròn nhỏ do quá trình sâu, mọt đục khoét tạo ra, có thể phát hiện ngay từ những lớp gỗ đầu tiên hoặc đến phần lõi gỗ mới biểu hiện. Đường kính và mật độ lỗ mọt trên diện tích ván nhất định là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định phẩm chất bề mặt veneer gỗ.

Khuyết tật do nứt nẻ, thương tật

Khuyết tật do nứt nẻ, thương tật

Tình trạng nứt nẻ trên thân gỗ tròn phần lớn do tác động bởi nhiệt độ và thời gian làm gỗ co ngót không đồng đều. Trong gỗ tròn và gỗ xẻ, vết nứt thường gồm các dạng: nứt dọc xuyên tâm, nứt tiếp tuyến, nứt do gỗ khô… Tùy vào chiều rộng và chiều sâu, các vết nứt sẽ có tên gọi cụ thể khác nhau để phân cấp bề mặt.

Thương tật là những khuyết điểm do vết thương bị tác động bên ngoài nhưng không phải yếu tố tự nhiên như hỏa hoạn, ký sinh trùng hoặc dao rìu gây ra. Một số thương tật thường gặp trên gỗ tự nhiên như: rách vỏ, vết chém, vết đẽo, lớp gỗ chết trong thân…

Khuyết tật do kỹ thuật bóc ván

Khuyết tật do kỹ thuật bóc ván

Quá trình thu hoạch, xử lý và bóc lạng cũng rất dễ gây ra nhiều tác động đến bề mặt ván do kỹ thuật của người nhân công hoặc do độ kém chính xác của máy móc.

Vết dao: là các vết hằn hoặc xước trên bề mặt gỗ xuất hiện do dao bóc bị cùn hoặc mẻ. Các vết hằn này khiến bề mặt veneer bị lõm nhẹ, không đảm bảo tiêu chí phẳng mịn. Thường ván bóc cấp I, II sẽ không cho phép xuất hiện khuyết điểm này.

Lượn sóng: đây là hiện tượng bề mặt tấm gỗ lạng bị nhấp nhô, độ dày không đồng đều tạo nên những phần lượn sóng lên xuống. Khuyết điểm này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tấm veneer thành phẩm cũng như quá trình chế tạo ván ép veneer.

Phân cấp bề mặt veneer tại ADX

Tại ADX Plywood, ván ép veneer là một trong những sản phẩm được nhiều khách hàng quan tâm nhất bởi giá thành hợp lý, ứng dụng đa dạng cùng vẻ đẹp ấn tượng của đường vân tự nhiên. Dựa trên bảng phân cấp bề mặt cụ thể, khách hàng đến với ADX có thể đánh giá chính xác chất lượng và giá trị veneer plywood mang lại.

Khuyết tật C (A/A) D+ (A/B) E F
Mắt đen nhỏ (<3mm) Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép Cho phép
Nút thắt (không có tâm đen) Cho phép Cho phép Cho phép Cho phép
Nút thắt (Có tâm đen) Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép Cho phép
Mắt chết Không cho phép
  • Kích thước ≤ 5mm
  • Số lượng ≤6
  • Kích thước ≤10mm
  • Số lượng ≤7
  • Kích thước ≤ 10mm
  • Số lượng ≤16
Vết khoáng Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép Cho phép
Vết nhựa Không cho phép Không cho phép
  • Kích thước ≤ 10mm
  • Số lượng ≤ 2
Cho phép
Lỗ sâu đục Không cho phép Số lượng ≤ 3 vết Số lượng ≤ 6 vết Cho phép
Vết biến màu Không cho phép Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép nếu bị nhẹ Cho phép

Lời kết

Là một loại mặt phủ phổ biến trong công nghệ sản xuất ván ép công nghiệp, bề mặt veneer được rất nhiều người dùng ưa chuộng nhờ vẻ đẹp tự nhiên, độc nhất mà từng đường vân mang lại. Tại ADX Plywood, chúng tôi cam kết cung cấp ván ép veneer sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, đảm bảo quy định về nguồn gốc thân thiện môi trường, chất lượng an toàn sức khỏe. Nếu quý khách hàng có bất cứ nhu cầu hay thắc mắc nào về sản phẩm này, vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới để được tư vấn chi tiết!

Thông tin liên hệ

Trụ sở: Sarimi B2-00.08, Khu đô thị Sala, P. An Lợi Đông, TP Thủ Đức, HCM

Nhà máy: KCN Bắc Đồng Hới, Xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình

Hotline: 0937 09 88 99 | 0902 317 486

Email: info@adxplywood.com

Fanpage: https://www.facebook.com/adxplywood