Nhu cầu sử dụng ván ép plywood ngày càng tăng nhanh dẫn đến những yêu cầu cao hơn trong công nghệ sản xuất lẫn nguyên liệu đầu vào. Là nguyên liệu quan trọng quyết định chất lượng tấm gỗ thành phẩm, ván bóc phải trải qua quy trình chế biến và bảo quản nghiêm ngặt. Tùy vào đặc trưng loại gỗ ban đầu, những lớp ván lạng mỏng sẽ được xử lý với điều kiện riêng biệt. Qua bài viết dưới đây, ADX Plywood sẽ thông tin chi tiết đến quý khách từng công đoạn hình thành nên tấm veneer đạt chuẩn cho việc sản xuất gỗ ép.
Nội dung chính
Thu hoạch gỗ làm ván bóc
Veneer là những tấm ván được lạng từ thân gỗ tự nhiên với độ dày khoảng 1 – 10mm và có kích thước tùy vào mục đích sử dụng. Thông thường, các loại cây công nghiệp thân dài, thẳng, ít cành nhánh với giá thành hợp lý và thời gian sinh trưởng nhanh sẽ được dùng làm nguyên liệu sản xuất ván bóc. Đặc biệt, gỗ khai thác phải đủ tiêu chuẩn đạt chứng chỉ FSC mang lại nhiều giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, có rất nhiều rừng trồng sở hữu chứng nhận FSC với đủ loại cây công nghiệp ngắn ngày được cấp phép khai thác phục vụ chế tạo ván gỗ. Tùy mỗi loại cây, người ta sẽ có những quy định tiêu chuẩn thu hoạch riêng. Chẳng hạn, gỗ keo rừng trồng trên 10 năm tuổi, có đường kính đầu nhỏ hơn 15cm, gỗ còn tươi mới được phép đốn hạ. Với gỗ cao su, sau khi hoàn thành chu trình lấy mủ, cây từ 25-30 năm tuổi, dài thẳng bắt đầu được khai thác.
Với mức giá cao hơn, ván ép bạch đàn hoặc ván ép gỗ thông cũng có những yêu cầu cao hơn về nguyên liệu gỗ tròn. Gỗ bạch đàn nuôi trồng từ 5-7 năm, với thân tròn, thẳng, ít khuyết điểm sẽ được khai thác. Trong khi đó, cây thông cần thời gian sinh trưởng lâu hơn, đến năm 25 tuổi mới có thể lấy gỗ.
Bảo quản sơ bộ gỗ tròn
Gỗ tròn vừa thu hoạch sẽ được vận chuyển đến nhà máy và lưu kho trong một thời gian nhất định trước khi đưa vào sản xuất ván bóc. Trong giai đoạn này, gỗ tròn phải được bảo quản đúng cách để tránh các tình trạng hư hại do mối mọt, nhiệt độ, độ ẩm…
Thông thường, có 2 cách bảo quản gỗ được áp dụng phổ biến: thủ công và xử lý hóa chất. Phương pháp thủ công dùng nhiều nhất là ngâm gỗ dưới nước, cách này giúp tiết kiệm chi phí, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật cũng như đảm bảo sức khỏe công nhân. Tuy nhiên, để loại bỏ lượng lớn nhựa và dưỡng chất trong gỗ tự nhiên phải mất thời gian ngâm nước rất lâu, 6-12 tháng tùy loại cây.
Vì thế, phương pháp xử lý hóa chất được khuyến khích áp dụng nhờ khả năng xử lý được một lượng gỗ lớn trong thời gian ngắn. Các chế phẩm giúp ngăn chặn sự phát triển của mối mọt được phun đều bề mặt và hai đầu gỗ. Thời gian để gỗ ngấm dung dịch hóa chất thường dao động từ 24-72 giờ tùy loại gỗ. Khi thực hiện phương pháp bảo quản này, nhân công cần trang bị đầy đủ những dụng cụ bảo hộ để đảm bảo sức khỏe và xử lý chất thải nghiêm ngặt trước khi đổ ra môi trường.
Cắt gỗ thành từng khúc
Gỗ được vận chuyển đến nhà xưởng sẽ được đưa vào máy cắt khúc theo kích thước đã định trước. Hiểu đơn giản, đây là công đoạn cắt thân gỗ tròn dài thành những khúc gỗ ngắn hơn. Thông thường, gỗ được cắt khúc dài 2,6m bằng máy tự động, giúp 2 đầu gỗ được cắt phẳng và láng mịn hơn, hạn chế sai số giữa các khúc gỗ với nhau.
Bóc vỏ & làm tròn khúc gỗ
Sau đó, các khúc gỗ được bóc vỏ, làm tròn bằng cách loại bỏ bạnh vè, phần cành nhánh thừa…
Xử lý thủy nhiệt
Trước khi tiến hành chế tạo ván bóc, để giúp gỗ mềm dẻo, có tính đàn hồi tốt hơn, thuận lợi bóc tách, các khúc gỗ tròn cần trải qua thời gian xử lý nhiệt, có thể luộc hoặc hấp tùy vào đặc trưng chất gỗ. Nhiệt độ và mức nước được kiểm soát được giám sát và tùy chỉnh liên tục trong quá trình xử lý thủy nhiệt.
Thời gian luộc hay hấp cụ thể thường phụ thuộc vào một vài yếu tố như:
- Nhiệt độ cuối
- Đường kính khúc gỗ
- Mức chênh lệch nhiệt độ giữa khúc gỗ và môi trường làm nóng gỗ
- Hướng thớ gỗ
- Sự biến đổi nhiệt độ của khúc gỗ
Bóc lạng và cắt ván
Gỗ sau khi làm mềm bằng cách xử lý thủy nhiệt sẽ được chuyển sang dây chuyền bóc lạng. Kích thước từng tấm ván lạng được cân chỉnh phụ thuộc vào quy cách ván ép thành phẩm. Hiện nay, các nhà máy sản xuất đang áp dụng nhiều phương pháp lạng veneer khác nhau: bóc tròn, lạng phần tư, cắt phẳng, bóc rift… Mỗi kiểu lạng sẽ cho ra tấm ván bóc với đường vân khác nhau, như vân núi, vân sọc, vân bông…
Tại ADX, bóc tròn đồng tâm là phương pháp lạng veneer chính được sử dụng. Cách bóc này được thực hiện bằng hệ thống máy bóc với lưỡi dao thật sắc, bóc lạng veneer từ ngoài vào lõi cho đến khi hết khúc gỗ.
Bảo quản ván bóc
Tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm của môi trường xung quanh, những kiện ván phải lưu kho với thời gian trên 1 tháng cần được bảo quản bằng hóa chất. Ván lạng sẽ được nhúng chìm trong dung dịch chế phẩm trong thời gian và liều lượng quy định.
Sấy khô
Ván sau khi bảo quản được đưa vào sấy khô liên tục, đạt độ ẩm từ 8-12%. Sau khi ra khỏi máy sấy, các tấm ván sẽ được cắt xén theo kích thước xác định. Một tấm veneer sấy khô đạt yêu cầu khi:
- Có độ ẩm đồng đều
- Không bị lượn sóng ở mép
- Không có hiện tượng nứt, rách
- Bề mặt đẹp để có thể lăn phủ keo
- Màu sắc đạt yêu cầu
- Không có, hoặc có rất ít tình trạng co rút
Phân loại và đóng gói
Kích thước và chất lượng ván bóc dùng làm mặt và cốt plywood phải đồng đều như nhau, đáp ứng yêu cầu phân cấp theo TCVN 10316:2015. Các nhà sản xuất ván veneer phải tuân theo một số quy định về sai số độ dày, chiều dài, chiều rộng và tiêu chí liên quan đến khuyết tật ván như: mắt sống, mắt chết, lỗ thủng, lỗ mọt, vết dao…
Tại ADX, veneer được phân loại theo thứ tự các cấp A, B, C, D, F tương ứng số khuyết điểm bề mặt tăng dần. Ván thuộc phân cấp A, B, C thường được ưu tiên làm lớp bề mặt veneer với ít khuyết điểm, vân gỗ đều đẹp. Các cấp ván còn lại thường dùng làm cốt hoặc lớp lót bề mặt.
Sau khi hoàn thành tất cả các bước trên, ván bóc được đóng gói theo phân cấp. Ván được xếp thành chồng theo số lượng nhất định và đính kèm đầy đủ các thông tin về phân cấp, loại gỗ, độ ẩm, kích thước, ngày sản xuất… Quá trình đóng gói được thực hiện đảm bảo an toàn, tránh gây hư hại đến ván.
Lời kết
Bài viết trên là tổng hợp 9 bước chính trong quy trình sản xuất và bảo quản ván bóc từ thân gỗ tự nhiên. Tấm veneer được bóc lạng đúng kỹ thuật cũng như xử lý bảo quản hợp lý sẽ giúp ván ép thành phẩm giữ được vẻ đẹp tự nhiên cùng độ bền cao, hạn chế cong vênh, mối mọt. Là công ty cung cấp ván dán chất lượng cao, có sự am hiểu chi tiết về ván lạng, ADX Plywood luôn sẵn lòng phục vụ và tư vấn mọi nhu cầu của khách hàng qua thông tin liên lạc bên dưới.
Thông tin liên hệ
Trụ sở: Sarimi B2-00.08, Khu đô thị Sala, P. An Lợi Đông, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Nhà máy: KCN Bắc Đồng Hới, Xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình
Hotline: 0937 09 88 99 | 0902 317 486
Email: Info@adxplywood.com
Fanpage: https://www.facebook.com/adxplywood