Là nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất ván gỗ công nghiệp plywood, ván bóc hiện nay có nguồn gốc từ nhiều loại cây khác nhau. Chúng được ưa chuộng nhờ giữ được tính chất cơ học và vẻ đẹp tự nhiên của gỗ, đồng thời được khuyến khích sử dụng để giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn gỗ tự nhiên. Để kiểm soát chất lượng gỗ ép thành phẩm, ván bóc cần được kiểm tra, phân cấp theo những tiêu chuẩn quốc gia cụ thể. Trong bài viết này, ADX Plywood sẽ giới thiệu đến quý khách một số thông tin và tiêu chuẩn phân loại veneer tại Việt Nam.

Ván bóc là gì?

Ván bóc là gì?

Ván bóc (hay còn được gọi là ván độn, ván lạng, veneer,…) là những lớp gỗ lạng từ thân gỗ tự nhiên. Những lớp gỗ này được bóc tách với kích thước khác nhau tùy vào mục đích sử dụng và kích thước của thân gỗ nguyên liệu. Thông thường, độ dày một lớp veneer rơi vào khoảng 1 – 10 mm.

Sau khi được lạng, các kiện ván được phơi, sấy khô đạt độ ẩm quy định và lưu trữ làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất gỗ ép. Đây là một vật liệu phục vụ đa lĩnh vực: nội thất, xây dựng, đóng gói hàng… thay thế cho gỗ tự nhiên nguyên khối truyền thống đang dần khan hiếm.

Kích thước tiêu chuẩn

Dựa trên TCVN 10316:2015, các tấm veneer phải đảm bảo bốn góc vuông và có chiều dài cũng như sai số đường chéo tuân theo quy chuẩn, cụ thể:

  • Tấm ván dài hơn 2.235mm: sai số đường chéo không được vượt quá 20mm
  • Tấm ván có chiều dài nhỏ hơn 2.235mm, sai số đường chéo cho phép dưới 10mm
Kích thước Sai số cho phép
Chiều dày 0,55 – 0,65

0,66 – 1

1,01 – 1,6

1,66 – 2

2,01 – 3,2

± 0,03

± 0,04

± 0,06

± 0,08

± 0,1

Chiều dài 2.540

2.235

1.930

1.270

± 5- 10

± 5

Chiều rộng 2.540

1.270

970

850

+ 20

– 5

+ 15

– 5

(Đơn vị: mm)

Ngoài một số kích thước tiêu chuẩn trên, bất cứ yêu cầu thành phẩm ván nào cũng cần đạt thoả thuận giữa người mua và đơn vị cung cấp.

Độ ẩm tiêu chuẩn

Trong sản xuất gỗ công nghiệp, ván bóc có 2 công dụng chính: làm cốt và làm ván bề mặt. Quy định về các tiêu chí độ ẩm, phân cấp, khuyết tật của ván cho mỗi công dụng cũng có nhiều điểm khác nhau. Đối với veneer dùng làm lớp lõi, độ ẩm tiêu chuẩn không được lớn hơn 12%. Trong khi đó, veneer làm lớp mặt có độ ẩm không quá 16%.

Các loại ván bóc phổ biến tại Việt Nam

Tại Việt Nam, rất nhiều loại  gỗ sản xuất plywood với đặc trưng thân tròn, thẳng, hạn chế nhánh cành phù hợp để bóc ván. Phổ biến là các cây công nghiệp sinh trưởng nhanh với số lượng lớn như: gỗ keo, bạch đàn, thông, cao su, bồ đề, mỡ,…

Ván bóc cao su

Gỗ cao su nổi tiếng với tính đàn hồi tự nhiên, nguồn rừng trồng trong nước dồi dào, tối ưu chi phí cho ngành sản xuất gỗ ép. Ván ép cao su thành phẩm ít bị co ngót, có sắc vàng nhẹ cùng vân gỗ gợn sóng và khả năng chịu lực tốt. Nhờ đó, chúng được ứng dụng nhiều trong chế tạo các sản phẩm yêu cầu cao về độ bền bỉ và chắc chắn.

Ván bóc cao su

Ván bóc bạch đàn

Gỗ bạch đàn khá cứng và được ứng dụng làm giấy, làm thuốc, tinh dầu, ván ép… Ván bóc bạch đàn để lộ đường vân gỗ độc đáo, không tuân theo quy luật cụ thể nào. Màu sắc ván thay đổi đa dạng tùy vào vùng trồng khiến ván ép bạch đàn được ưa chuộng trong chế tạo đồ mỹ nghệ, nội thất trưng bày.

Ván bóc bạch đàn

Ván gỗ keo

Keo là loại cây công nghiệp rất phổ biến tại Việt Nam nhờ ưu điểm dễ trồng, mang lại giá trị thương mại cao. Ván gỗ keo có màu vàng trắng, vân gỗ tự nhiên cùng giác lõi phân biệt, thân cao thẳng thích hợp cho việc bóc ván. Nguồn rừng dồi dào, chất lượng gỗ ổn định nhưng giá thành không hề đắt đỏ là lợi thế cho plywood cốt keo được lựa chọn nhiều trong chế tạo sàn gỗ, nội thất gia đình, pallet hoặc dùng trong xây dựng.

Ván gỗ keo

Ván gỗ mỡ

Thân gỗ mỡ có đường kính khá lớn từ 30cm, lên đến 50 – 60cm. Giác gỗ rộng, bóc ván cho ra trắng kem hoặc trắng vàng, tương đối bền. Ván ép plywood từ gỗ mỡ thừa hưởng ưu điểm dễ gia công, dễ bắt vít, chống mối mọt tốt. Với đường vân gỗ đẹp, độc đáo, ván gỗ mỡ xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm nội thất thường ngày: tủ quần áo, cửa, tủ bếp…

Ván thông

Đây là loại gỗ mềm có giác lõi khó phân biệt, giác gỗ vàng nhạt, thân tròn thẳng, thích hợp để bóc ván. Ván gỗ thông đã qua xử lý kỹ lưỡng sẽ thích nghi tốt với môi trường ẩm ướt, hạn chế co ngót, cong vênh.

Trong sản xuất gỗ dán, ván ép cao su thường chắc chắn hơn so với các loại gỗ khác, nhờ đó, chúng được ứng dụng rộng rãi nhiều lĩnh vực: xây dựng, công nghiệp ô tô, hàng hải, công nghiệp điện tử, nội – thoại thất… Tuy nhiên, ván bóc bạch đàn và gỗ thông lại có giá trị thẩm mỹ cao hơn nhờ vân gỗ đẹp, màu sắc tươi sáng.

Tiêu chuẩn phân loại ván bóc

Ván lạng theo phương pháp bóc tròn đồng tâm (rotary cut veneer) được phân cấp theo tiêu chuẩn quốc gia 10316:2015 do Trường Đại học Lâm nghiệp biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này dựa trên năng lực sản xuất các doanh nghiệp trong nước, tham khảo một số tiêu chuẩn quốc tế và phân cấp ván cho 2 công dụng khác nhau: ván mặt, ván cốt.

Đối với ván mặt

Tiêu chuẩn phân loại ván bóc đối với ván làm bề mặt

Đối với veneer dùng làm bề mặt ván, TCVN 10316:2015 phân loại chất lượng dựa trên loại gỗ đầu vào: cây lá kim và cây lá rộng. Ván lạng từ cây lá kim được phân thành 4 cấp (I, II, III, IV) và ván lạng từ cây lá rộng được phân thành 5 cấp (I, II, III, IV, V). Những thông số chi tiết về khuyết tật trên bề mặt ván được quy định cụ thể qua bảng phân cấp. Trong đó, các nhà cung cấp phải chú trọng đến một số khuyết tật ván phổ biến như: mắt kim, mắt sống, mắt chết, lỗ thủng, vết mục, vết nứt, vết xước, ố màu, vết vá…

Mỗi mức phân cấp sẽ có chênh lệch về kích thước, tổng diện tích, số lượng khuyết tật tính trên mỗi m2 bề mặt. Hầu hết, phân cấp I, II đều không cho phép hoặc cho phép những vết lỗi rất nhẹ, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng ván. Ngược lại, phân cấp IV, V sẽ cho phép số lỗi không hạn chế, trong điều kiện không gây thủng ván hay làm giảm bộ bền.

Đối với ván cốt

Tiêu chuẩn phân loại ván bóc đối với ván cốt

Veneer dùng làm cốt ván không yêu cầu tỉ mỉ như veneer mặt, được phân thành 2 cấp (I và II). Các điều kiện giữa 2 phân cấp này cũng không quá nhiều khác biệt, chủ yếu đáp ứng tốt khả năng dán dính và độ bền ván thành phẩm.

Tuy nhiên, trong thực tế, các tiêu chí phân loại ván bóc được đơn giản hóa để thuận tiện hơn cho quá trình sản xuất gỗ ép. Thông thường, veneer được phân làm 4 loại:

  • Ván loại A+: Đạt kích thước yêu cầu, bề mặt nhẵn mịn, liền mạch, không có khiếm khuyết, gỗ đều màu. Veneer thuộc phân cấp này thường dùng làm ván mặt hoặc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
  • Ván loại A: đạt kích thước yêu cầu, bề mặt phẳng mịn, liền mạch, có rất ít khuyết điểm với kích thước nhỏ (đường kính mắt chết không quá 20mm, lỗ thủng không quá 5mm, số lượng nhiều nhất 6 vết trên mỗi m2). Ván loại A cũng thường được sử dụng làm ván mặt.
  • Ván loại B: bề mặt có khiếm khuyết nhưng tổng diện tích các vết lỗi không cho phép vượt quá 10-20% diện tích mặt ván. Ván loại B cho phép số lượng mắt sống, mắt chết không hạn chế với đường kính không quá 30mm; cho phép vết ố màu, vết nhựa, vết nứt với kích thước quy định.
  • Ván loại C: là lớp ván thu được khi bắt đầu bóc đến lõi gỗ, thường có lỗi chiếm 30-40% diện tích bề mặt, gỗ không đều màu, và cho phép các vết xước không xuyên thủng ván.

Xem chi tiết Tiêu chuẩn Quốc gia đối với ván bóc tại đây!

Quy trình sản xuất

Quy trình sản xuất ván bóc

Trước sự phát triển của công nghệ, máy móc chế biến gỗ ngày càng hiện đại, quy trình bóc / lạng ván veneer cũng dần nhanh chóng và cho ra số lượng lớn hơn. Quy trình bóc ván cơ bản trải qua những công đoạn quan trọng sau:

Bước 1. Thu hoạch gỗ tròn

Bước 2. Bảo quản sơ bộ gỗ tròn (vận chuyển và lưu kho trên 1 tuần)

Bước 3. Cắt khúc

Bước 4. Bóc vỏ, làm tròn

Bước 5. Bóc ván theo kích thước quy định

Bước 6. Bảo quản, phơi, sấy

Bước 7. Phân loại ván bóc

Bước 8. Đóng gói, bảo quản lưu kho

Ván phải được làm khô đạt đến độ ẩm 8-12% thích hợp làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình chế tạo ván ép sau này. Trong suốt các công đoạn bóc, ván được phân cấp kỹ lưỡng theo quy chuẩn, kích thước ván lõi và ván mặt phải đồng đều nhau về chiều dài, chiều rộng.

Lời kết

Mang đến nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường, veneer dần quen thuộc hơn với người tiêu và được ứng dụng cho sản xuất plywood – vật liệu chế tạo nội, ngoại thất, xây dựng, đồ thủ công mỹ nghệ… Tại ADX Plywood, chúng tôi cung cấp những sản phẩm ván ép sử dụng ván bóc trực tiếp tại Việt Nam, đảm bảo an tâm về nguồn gốc rừng trồng FSC, chất lượng chuẩn ISO. Quý khách hàng có bất cứ nhu cầu hay thắc mắc nào, vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin bên dưới!

Thông tin liên hệ

Trụ sở: Sarimi B2-00.08, Khu đô thị Sala, P. An Lợi Đông, TP. Thủ Đức, HCM

Nhà máy: KCN Bắc Đồng Hới, Xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình

Hotline: 0937 09 88 99 | 0902 317 486

Email: info@adxplywood.com

Fanpage: https://www.facebook.com/adxplywood